Sự kiện trải nghiệm Ford Ranger Raptor lần này được Ford Motors tổ chức dành cho khách mời đến từ 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Philippin. Trong ngày đầu tiên, các thành viên được trải nghiệm offroad tại đồi cỏ hồng, Đà Lạt.
Ford chọn địa điểm khởi hành đầu tiên là Đà Lạt, tuy nhiên trước khi tiến về Mũi Né, ban tổ chức còn tổ chức thêm một buổi offroad khá thú vị tại một trong những địa điểm ‘check in’ nổi tiếng bậc nhất Đà Lạt – Đồi Cỏ Hồng. Hơi đáng tiếc, mùa này không phải là mùa đẹp nhất của vùng đất này nên khách mời đến từ Thái Lan hay Philippin không có cơ hội chiêm ngưỡng.
Đồi cỏ Hồng Đà Lạt.
Thời tiết Đà Lạt mùa này rất đẹp, trời nắng nhẹ, không khí trong và rất dễ chịu, cực kì phù hợp cho những chương trình trải nghiệm ngoài trời. Có 7 bài khác nhau để khách mời thử khả năng offroad vốn được coi là thế mạnh của Ford Ranger Raptor. Trước tiên chúng ta sẽ nói qua một chút về thông số kỹ thuật của xe.
Ranger Raptor được trang bị động cơ dầu Biturbo 2.0L sản sinh công suất tối đa 210 mã lực, mô-men xoắn cực đại 500 Nm. Hệ thống dẫn động 4 bánh kết hợp với hộp số tự động 10 cấp. Xe sở hữu khoảng sáng gầm 283 mm trong khi góc tới/góc thoát lần lượt là 32,5 độ và 24 độ.
Tuy nhiên, khả năng offroad của Ford Ranger Raptor còn được hỗ trợ bởi rất nhiều công nghệ hiện đại cũng như trang bị ‘hàng hiệu’ khác biệt với phiên bản tiêu chuẩn. Đầu tiên phải kể đến hệ thống giảm xóc thể thao của Fox chế tạo riêng cho Ford. Hệ thống này được thiết kế để hấp thụ những chấn động lớn cùng hành trình phuộc dài mang đến khả năng vận hành offroad tốt hơn, tăng cường độ ổn định trục sau.
Vượt qua những cung đường gồ ghề mấp mô tại Đồi Cỏ Hồng, Ranger Raptor luôn cho thấy sự ổn định dù ở tốc độ cao hay thấp. Để cảm nhận rõ rệt hơn, ban tổ chức sắp xếp cho chúng tôi trải nghiệm chạy tốc độ cao kiểu ‘hết ga hết số’ trên một đoạn đường mấp mô với những mô đất, hố nhỏ tự nhiên liên tục. Mặc dù di chuyển ở vận tốc cao nhưng nhờ hệ thống giảm xóc hoạt động cực kì hiệu quả nên người như đồ đạc để bên trong xe không bị xô lệch một cách thô bạo cũng như xe luôn trong trạng thái được kiểm soát dễ dàng. Thực tế hơn, khi đứng ngoài và nhìn chiếc xe di chuyển ở bài này, tôi có thể dễ dàng nhận thấy bánh xe nảy lên liên tục liên tục trong khi thân xe gần như giữ nguyên trạng thái và lướt đi.
Ở những bài trải nghiệm khác, chúng tôi được thử những công nghệ nổi bật như chét độ kiểm soát đổ đèo Hill Descent Control. Công nghệ này giúp chúng tôi di chuyển xuống dốc một cách dễ dàng hơn khi không cần phanh không cần ga mà chỉ điều chỉnh tốc độ thông qua lẫy chuyển số hoặc phím ‘+’ và ‘-‘ trên vô lăng. Với công nghệ này, người lái vừa nhàn hơn mà lại đảm bảo an toàn khi di chuyển trên cung đường với rất nhiều cát, sỏi, cỏ và dốc cao.
Đặc biệt hơn, Ranger Raptor còn sở hữu hệ thống kiểm soát địa hình TMS với 6 chế độ khác nhau giúp chinh phục hàng loạt những kiểu địa hình khó với những thế mạnh khác nhau. 6 chế độ hoạt động này bao gồm Normal – Sport (thể thao) – Grass/Gravel/Snow (Cỏ/sỏi/tuyết) – Mud/Sand (bùn/cát) – Baja (offroad tốc độ cao) – Rock (đá). Những chế độ này sẽ linh hoạt sử dụng tuỳ thuộc vào địa hình khác nhau lựa chọn và vận hành.
Cũng cần phải kể thêm hệ thống khoá vi sai cầu sau điện tử được trang bị và đặt cạnh công nghệ Hill Descent Control. Hệ thống này cho phép toàn bộ mô-men xoắn được truyền xuống hai bánh sau, kể cả khi 1 trong hai bánh không chạm đất. Công dụng tốt nhất của hệ thống này là khi bạn muốn đưa xe vượt qua một hố sâu và hẹp cần một lúc đẩy lớn từ phía sau. Trong chương trình lần này chúng tôi cũng đã được áp dụng và không khó để vượt qua chướng ngại.
Kết thúc ngày trải nghiệm đầu tiên cùng Ford Ranger Raptor tại Đà Lạt, khách mời đã hiểu thêm hơn về mẫu xe bán tải có giá bán gần 1,2 tỷ tại Việt Nam. Đặc biệt là được thử các hệ thống, công nghệ hỗ trợ lái xe và offroad vốn rất rất ít khi được dùng đến nếu chỉ sử dụng để đi lại hàng ngày trong thành phố.
Hôm nay (5/3), đoàn sẽ tiếp tục hành trình Khám phá vùng đất Ả Rập trên cung đường từ Đà Lạt đi Mũi Né và sẽ có buổi trải nghiệm chạy xe trên đồi cát ở đây để thử những chế độ vận hành vốn ít khi được sử dụng tại Việt Nam.
Với động cơ mạnh mẽ và bộ trang bị off-road hiện đại, Ford Ranger Raptor hiện được xem là “vua bán tải” ở Việt Nam.
Pickup bán tải là phân khúc rất sôi động ở những thị trường như Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, mẫu xe bán tải Ford Ranger trong năm 2017 dẫn đầu Top đầu những dòng bán tải chạy nhất với tổng doanh số 14,926 chiếc, bỏ xa hai đối thủ kế là Chevrolet Colorado (3,082 chiếc) và Mazda BT-50 (2,349 chiếc).
Tuy nhiên, những đối thủ đang tăng tốc và theo sát Ford. Riêng nửa đầu 2018 thị trường đã chứng kiến sự đổi ngôi khi đồng hương Chevrolet cùng dòng Colorado đã vượt mặt nhờ một số lợi thế nhờ hưởng thuế suất 0% khi nhập trong khối ASEAN.
Xem thêm:
Vua bán tải mới Ford Ranger Raptor sắp về Việt Nam
Công bố của Ford sẽ mở rộng đầu tư tại nhà máy tại Thái Lan đã cho thấy quyết tâm giữ vững ngôi vua dòng pickup này. Và Ford Ranger Raptor về Việt Nam có gì mới để giữ vững ngôi vị này?